Banner

KIẾN THỨC BẢO HIỂM

Tất tần tật các thông tin bố mẹ cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

KIẾN THỨC BẢO HIỂM

Tất tần tật các thông tin bố mẹ cần biết về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

Cập nhật: 08.02.2024   6 phút để đọc

Ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trẻ con thường rất hiếu động, thường xuyên có tiếp xúc với các bạn bè, điều này dẫn đến việc trẻ dễ dàng bị lây bệnh đau mắt đỏ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nặng và ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực của bé. Tham khảo ngay thông tin tổng quan về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ, triệu chứng giai đoạn sớm và cách chữa trị - phòng tránh!
Bệnh đau mắt đỏ có thể được chữa khỏi mà không để lại di chứng

Bệnh đau mắt đỏ có thể được chữa khỏi mà không để lại di chứng

1. Tổng quan về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Bệnh đau mắt đỏ còn được biết đến với tên Viêm kết mạc. Đây là hiện tượng lớp màng trong suốt phủ trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng) bị viêm, kết mạc mi.

Đau mắt đỏ cấp tính có thể được bắt gặp ở cả người lớn và trẻ em, không phụ thuộc giới tính hay độ tuổi. Khả năng mắc bệnh và lây lan tập trung chủ yếu vào mùa xuân và hè. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ có thể điều trị và phòng tránh dễ dàng mà không để lại di chứng.

Xem thêm: Mua bảo hiểm cho bé loại nào tốt?

2. Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ

Có 2 nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh đau mắt đỏ ở trẻ:

Nguyên nhân chính là do Virus Adenovirus hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu xâm nhập vào giác mạc và gây ra. Khi cơ thể mệt mỏi hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu tức thời, virus có thể dễ dàng bùng phát và gây bệnh.

Theo thống kê của các y bác sĩ, số ca bệnh đau mắt đỏ tăng cao từ đầu mùa hè đến cuối mùa thu, khi giao mùa hay độ ẩm không khi có sự biến động mạnh.
Bệnh đau mắt đỏ có thể được chữa khỏi mà không để lại di chứng

Trẻ dễ mắc phải bệnh đau mắt đỏ vào thời điểm giao mùa

Nguyên nhân thứ yếu đến từ thói quen sinh hoạt của gia đình: Vệ sinh kém, dùng nguồn nước ô nhiễm, bị lây từ người bị bệnh thông qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân.

Xem thêm: Bệnh lở miệng ở trẻ em và những điều cần lưu 

3. Triệu chứng bệnh

Theo ghi nhận từ các bác sĩ chuyên khoa nhi, hầu hết trẻ em đều bị đau mắt đỏ ít nhất 1 lần trong đời. Bước đầu, tác nhân gây bệnh chỉ gây đỏ một bên mắt, một thời gian sau mới lây sang mắt còn lại. Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ lúc này có thể là:

  • Mí mắt sưng nề, mọng, lớp trong suốt trên bề mặt nhãn cầu có màu đỏ
  • Thường xuyên đau nhức, chảy nước mắt không kiểm soát hay xuất huyết phần dưới kết mạc.
  • Giai đoạn này mắt có thể khó nhìn nhưng không làm suy giảm thị lực
  • Trường hợp sốt nhẹ có thể được bắt gặp ở một số trẻ bị nặng.
    Đau mắt đỏ gây ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ

Đau mắt đỏ gây ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ

Các triệu chứng kể trên xuất hiện liên tục trong 3 ngày đầu kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh có xu hướng giảm nhẹ đến khoảng ngày 10 thì bệnh khỏi hẳn và thường không để lại di chứng. Tỉ lệ trẻ có biến chứng viêm giác mạc được ghi nhận lại là cực kỳ thấp.

4. Cách chăm sóc mắt trẻ khi bị đau mắt đỏ

Mặc dù không quá nguy hiểm hay ít có khả năng bị biến chứng nặng, bố mẹ vẫn nên chú ý cách chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ. Cụ thể:

4.1 Vệ sinh mắt thường xuyên

Vệ sinh mắt cho bé bằng các cách sau để làm giảm tình trạng cộm, rát ở mắt:

  • Lau rửa ghèn, dử mắt tối thiểu 2 lần/ ngày bằng khăn ấm hoặc bông tiệt trùng.
  • Sử dụng nước muối sinh lý Natri/Sodium Clorid 0.9% hoặc nước mắt nhân tạo.
    Vệ sinh mắt thường xuyên cho trẻ

Vệ sinh mắt thường xuyên cho trẻ

4.2 Đeo kính để tránh bụi bẩn

Khi cho bé ra đường, tiếp xúc với bụi bẩn hoặc khói bụi hay các tác nhân gây hại khác, có thể khiến bệnh đau mắt đỏ ở trẻ trở nặng. Vì thế, bố mẹ cần cho trẻ đeo kính để hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Đồng thời, điều này giúp trẻ cảm thấy đỡ ngại khi giao tiếp.

4.3 Dùng thuốc nhỏ mắt cho trẻ

Nếu phát hiện bệnh từ giai đoạn đỏ 1 mắt, bố mẹ cần giữ cho mắt còn lại khỏe mạnh. Bố mẹ có thể dùng lọ thuốc nhỏ mắt riêng cho mắt khỏe, tránh dùng chung lọ với mắt bệnh. Trước và sau quá trình nhỏ mắt cho trẻ, phụ huynh cũng cần rửa tay thật sạch với xà phòng.

4.4 Trẻ cần hạn chế tiếp xúc với những người không bị bệnh

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ rất dễ lây lan khi trẻ con chơi đùa với các bạn cùng lớp. Vì thế, khi mắc bệnh, bố mẹ có thể xin phép cho con được nghỉ học hoặc không đi đến những nơi tập trung đông người để tránh bệnh lây lan.

Thời điểm này, trẻ cũng không nên tiếp xúc gần với người khỏe mạnh vì bệnh lây nhanh qua đường hô hấp, nước bọt hay nước mắt (nước mắt người bệnh chưa nồng độ virus rất cao).

4.5 Bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ và dùng thuốc đúng chỉ định

Cha mẹ cần cung cấp đủ cho trẻ các loại dinh dưỡng cần thiết để củng cố và tăng cường sức đề kháng. Để bệnh mau khỏi, cha mẹ cũng cần cho trẻ nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, cách ly trẻ với nguồn tác nhân gây bệnh và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bổ sung đa dạng các nhóm chất

Bổ sung đa dạng các nhóm chất

Nếu tự ý sử dụng thuốc không theo toa bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và lâu khỏi. Một số trường hợp cần tránh:

  • Hiện nay, trên thị trường có bày bán một số loại thuốc nhỏ mắt corticoides, hợp chất này có thể khiến giác mạc của trẻ bị loét và tăng nhãn áp, nặng hơn có thể gây mù lòa.
  • Một số bậc cha mẹ làm theo cách dân gian: dùng lá trầu xông cho bé khi bị đau mắt. Đây là điều không nên vì nhiệt độ của nước và lá trầu có thể làm bỏng mắt và gây tổn thương nặng nề.

5.Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ có khả năng lan rộng nhanh chóng và tạo thành dịch bệnh cộng đồng nếu người bệnh không được hạn chế tiếp xúc với người khỏe mạnh. Để phòng tránh bệnh, bố mẹ cần lưu ý:

  • Hạn chế tối đa việc bé tiếp xúc gần với người bệnh đau mắt đỏ.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân hàng ngày cho bé
  • Tập cho trẻ thói quen không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác
  • Tập thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng
  • Không cho trẻ có thói quen dùng tay dụi mắt
  • Khi ra đường hoặc tiếp xúc với những nơi bụi bẩn, cần mang kính cho bé.
  • Khi đi bơi cần chú ý đeo kính bơi cho trẻ. Đồng thời, hạn chế đến hồ bơi khi đến mùa dịch đau mắt đỏ.
  • Luôn chú ý tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách cho bé bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu và tập luyện thể thao.
    Luôn đeo kính bơi cho trẻ khi ở hồ bơi công cộng

Luôn đeo kính bơi cho trẻ khi ở hồ bơi công cộng

Nếu trẻ bị bệnh, bố mẹ cũng cần lưu ý để tránh làm lây nhiễm bệnh ra cộng đồng:

  • Nhắc nhở bé không nên dùng tay dụi mắt đau, bắt tay hay sờ vào đồ dùng người khác.
  • Không nên đến những nơi công cộng hay tập trung đông người như hồ bơi, trường học.
  • Khi ra khỏi nhà cần đeo khẩu trang, mang mắt kính.
  • Nhanh chóng đưa bé đến khám bệnh tại bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa nhi hoặc mắt.

Hy vọng với những chia sẻ trên, các bậc cha mẹ đã có cái nhìn tổng quát và cách phòng tránh, chữa trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em. Đặc biệt, khi vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, phụ huynh cần chú ý và quan tâm đến trẻ nhiều hơn.

Bài viết liên quan

logo footer
Theo dõi Generali trên mạng xã hội
text
text
text
text
text
PHONG CÁCH SỐNG NHƯ Ý
texttext
DMCA Protection Badge
© Bản quyền thuộc về Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam