Theo các chỉ số phát triển của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở Việt Nam trong độ tuổi từ 20 đến 79 là 6,1% vào năm 2021 – tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên phạm vi toàn thế giới, là do lượng tiêu thụ đường ngày càng tăng.
Đường có trong mọi loại thực phẩm và chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều
Đường là thành phần của rất nhiều loại thực phẩm như cà phê, trà sữa trân châu, thậm chí là trong nước tương. Bạn sẽ ổn khi chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ đường, tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thì bạn có thể gặp phải tình trạng tăng cân, mụn nhọt, mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, và góp phần tăng nguy cơ mắc một số bệnh.
Dưới đây là 8 lý do vì sao ăn nhiều đường không tốt cho bạn:
1. Đường khiến bạn khó kiểm soát cân nặng
Các loại nước ngọt như soda, nước trái cây hay cà phê ngọt có chứa nhiều đường fructose, một loại đường đơn giản. Tiêu thụ đường fructose làm tăng cảm giác đói và thèm ăn glucose - loại đường chính có trong thực phẩm giàu tinh bột. Nói cách khác, đồ uống có đường không giảm bớt cơn đói của bạn, ngược lại, còn khiến bạn tiêu thụ một lượng lớn calo rỗng, vì không chứa chất dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tăng cân.
2. Đường gây ra tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng
Thực phẩm chứa nhiều đường thường không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Chúng thường có hàm lượng calo cao nhưng không chứa dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng vì bạn không ăn những thức ăn khác.
3. Tác động đến đường huyết và tăng khả năng mắc đái tháo đường
Thực phẩm có chứa nhiều đường như bánh kẹo công nghiệp làm tăng lượng đường trong máu của bạn nhanh hơn so với thực phẩm có chứa ít đường. Tiêu thụ thực phẩm có đường khiến lượng đường trong máu và insulin tăng đột biến. Theo thời gian, thói quen này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.