Làm thế nào để phòng chống ung thư?
Mặc dù chúng ta không thể đảm bảo có thể phòng tránh hoàn toàn bệnh ung thư do nhiều yếu tố ngoại vi, tuy nhiên, thực tế là có nhiều cách để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thông qua việc cải thiện lối sống và chế độ ăn uống. Một số khảo sát đã cho thấy khoảng 40% số ca mắc ung thư trên thế giới có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp phòng tránh đơn giản.
Bạn có thể thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, việc cải thiện lối sống và chế độ ăn uống cũng có tác động tích cực với sức khỏe của bạn nói chung. Sau đây là một vài lời khuyên từ Generali.
Ngưng hút thuốc
Các chất độc trong khói thuốc lá có thể làm tổn thương DNA, tạo ra các khối u và gây bệnh ung thư. Việc ngừng hút thuốc sẽ giúp bạn hạn chế tiếp xúc với các chất độc có trong thuốc lá, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Thêm vào đó, bạn cũng nên tránh ở gần những người hút thuốc bởi độc tố trong thuốc lá có thể tồn tại trong không khí, từ đó khiến bạn hấp thụ các chất độc này một cách thụ động.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Một chế độ ăn uống cân bằng, dủ dưỡng chất, vitamin, chất xơ và chất béo tốt là một cách phòng tránh bệnh ung thư. Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ hay thực phẩm chế biến sẵn bởi nhiều nghiên cứu đã cho thấy những loại thực phẩm này góp phần tăng nguy cơ mắc ung thư. Thay vào đó, hãy lựa chọn những thực phẩm tự nhiên và ít qua sơ chế như rau xanh bông cải, các loại hạt như hạt bí hay trái cây với nhiều chất chống oxy hóa để cải thiện hệ miễn dịch.
Thường xuyên tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý
Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy trong số các ca tử vong vì ung thư tại Mỹ có tới 14% nam giới và 20% nữ giới mắc béo phì. Thừa cân và béo phì có thể gây ra chứng nhiễm trùng kéo dài. Bên cạnh đó, chỉ số insulin cao cũng là nguy cơ gây bệnh ung thư. Do đó, bạn nên giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh.
Theo ông Nguyễn Bá Đức phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về béo phì với ung thư. Tuy nhiên tình trạng béo phì đang tăng nhanh ở người trưởng thành, tỉ lệ trẻ em thừa cân béo phì tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020) cũng là nguy cơ làm gia tăng bệnh nhân ung thư, đặc biệt là tình trạng ung thư ngày càng trẻ hóa.
Thông thường, các bác sĩ sử dụng chỉ số BMI để đo mức độ thừa cân và béo phì. Chỉ số BMI này sẽ được tính bằng trọng lượng chia bình phương chiều cao (kg/m2). Một người có chỉ số BMI lý tưởng sẽ dao động trong khoảng 18,5 - 24,9. Khi chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 25 - 29,9 tức là bạn đang bị thừa cân.
Ngoài ra, nhiều bằng chứng cho thấy lối sống thiếu vận động cũng có liên quan tới hầu hết các bệnh mãn tính, cũng như góp phần gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt, tuyết tụy và các khối u ác tính. Hãy tập thể dục thường xuyên bởi lối sống thiếu vận động cũng có thể dẫn tới ung thư!
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím
Nghiên cứu cho thấy ung thư da xảy ra do bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Thủng tầng ô-zôn làm tăng cường độ bức xạ của tia cực tím, hệ quả là làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, bạn cần luôn bảo vệ làn da mỗi khi ra ngoài bởi việc tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều có thể dẫn tới ung thư da. Hãy dùng kem chống nắng với chỉ số SPF 30 (Sun Protection Factor) trở lên. Tuy nhiên, cho dù sử dụng SPF 30+ hay SPF 50+ thì nên thoa đầy đủ vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, tay, chân,..