Mục đích của xạ trị là điều trị cứu chữa hoặc giảm nhẹ bệnh ung thư. Tuỳ theo thể trạng bệnh nhân, loại ung thư và vị trí khối u, cần đưa tia xạ với liều lượng phù hợp tới vùng có khối u, đồng thời đảm bảo an toàn cho những tế bào lành xung quanh.Vậy những phản ứng tích cực và tiêu cực của phương pháp xạ trị này là gì? Cùng tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây.
Xạ trị ung thư là gì? Xạ trị hoạt động như thế nào?
Xạ trị là công nghệ sử dụng chùm tia bức xạ. Ngày nay, bức xạ là một công cụ phổ biến và giá trị trong y học, nghiên cứu và công nghiệp. Bức xạ được sử dụng trong y học để chẩn đoán bệnh tật và được dùng với liều cao để điều trị các bệnh như ung thư. Ngoài xa, bức xạ liều cao cũng được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong thực phẩm và kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm tươi sống.
Xạ trị được thực hiện từ bên ngoài (chùm tia bên ngoài) hoặc bên trong cơ thể (xạ trị áp sát). Trong liệu pháp xạ trị chùm tia bên ngoài, một máy điều khiển bức xạ vào khối ung thư và các mô xung quanh. Trong liệu pháp xạ trị áp sát, chất phóng xạ được đặt trong các ống mỏng và đặt vào cơ thể gần khối ung thư.
Xạ trị ung thư là xạ trị liều cao với mục đích tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng bằng cách làm tổn thương các DNA ung thư. Các tế bào ung thư với DNA bị tổn thương không thể phục hồi sẽ ngừng phân chia hoặc chết đi. Khi những tế bào tổn thương chết, chúng sẽ bị phá vỡ và loại bỏ khỏi cơ thể.
Xạ trị thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh hoặc khi ung thư bắt đầu lan rộng. Trước khi tiến hành phẫu thuật, phương pháp này được áp dụng với mục đích thu nhỏ các mô ung thư, hỗ trợ cho việc loại bỏ khối u sau này. Sau phẫu thuật, các biện pháp xạ trị bổ sung được tiến hành để ngăn chặn sự phát triển của những tế bào ung thư còn sót lại.