Nguyên tắc khi sơ cứu
Nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân là tất yếu, nhưng để có thể thực hiện xử trí tốt nhất cho nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông, chúng ta cần phải chú ý các nguyên tắc an toàn sau:
An toàn hiện trường: nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến nơi an toàn gần hiện trường nhất, để tiến hành sơ cứu ban đầu 2. Trước khi sơ cứu, chúng ta cần quan sát xung quanh để loại bỏ hoặc tránh các yếu tố nguy hiểm như cháy, nổ, điện, nước, chất độc, hóa chất…. Bởi các yếu tố này có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân và người sơ cứu 2.
Giảm thiểu tối đa nguy cơ cho người sơ cứu: người sơ cứu phải chú ý các mối nguy hiểm từ hiện trường tai nạn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan siêu vi B, C...), do máu từ vết thương của nạn nhân được sơ cứu.
Các bước sơ cứu
Sau khi đảm bảo các nguyên tắc trên, bạn hãy thực hiện sơ cứu theo “nguyên tắc ABCDE” 2,3
Nhanh chóng kiểm tra thần kinh (D= disability) và đường thở (A = airway): lay gọi to nạn nhân, để đánh giá tình trạng tri giác, áp tai vào miệng để kiểm tra nạn nhân còn thở hay không.
Đánh giá tuần hoàn (C = circulation) và tình trạng hô hấp (B = breathing) của nạn nhân dựa vào quan sát mức độ gắng sức khi thở (thở co kéo, thở rên, ngưng thở).
Quan sát các dấu hiệu chấn thương (E = exposure): bộc lộ để thăm khám nhanh các tổn thương cơ thể. Các vết bầm tím ngoài da, các vết thương trên cơ thể. Xác định nguy cơ gãy xương và cố định xương gãy (Fracture of bones). Cố định cột sống cổ với nẹp cổ, nếu nghi ngờ tổn thương cột sống và tủy cổ (C-spine) 2.