Bạn đang có ý định tham gia một gói sản phẩm bảo hiểm cá nhân hoặc gia đình thông qua đại lý bảo hiểm. Nhưng bạn vẫn chưa hiểu rõ đại lý bảo hiểm là gì? Có khác với môi giới bảo hiểm hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ khi nào một đơn vị hay cá nhân được công nhận là một đại lý bảo hiểm. Đồng thời bạn sẽ nắm được những quy định về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của đại lý đó.
1. Đại lý bảo hiểm là gì?
1.1 Định nghĩa
Đại lý chính là cầu nối trung gian giữa một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm với khách hàng. Đại lý được phép nhân danh, đại diện để bán sản phẩm đã thống nhất từ trước và nhận lại thù lao thích đáng từ doanh nghiệp.
Hiểu đại khái là như vậy, nhưng đối với việc kinh doanh bảo hiểm, nhà nước ta đã có định nghĩa rõ ràng về đại lý bảo hiểm tại Điều 84 trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 như sau:
"Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan."
Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền
1.2 Vai trò
Đại lý bảo hiểm có một vai trò quan trọng trong mô hình kinh doanh bảo hiểm. Nó chính là cầu nối trực tiếp giữa một doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng tiềm năng. Cụ thể:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm
- Đại lý bảo hiểm dù là tổ chức hay cá nhân đều đóng vai trò là một lực lượng bán hàng trọng yếu của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Là người trực tiếp nhận các thông tin phản hồi về sản phẩm bảo hiểm từ phía khách hàng.
- Có nghĩa vụ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sử dụng gói bảo hiểm.
- Có nhiệm vụ giới thiệu hoặc chào bán gói sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng.
- Được ủy quyền, chịu trách nhiệm tổ chức việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với người tham gia bảo hiểm.
- Việc phát triển hệ thống đại lý tạo ra nhiều nguồn thu hơn.
- Thực hiện một số công việc khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã tham gia gói bảo hiểm.
Đối với khách hàng tham gia bảo hiểm
- Khách hàng cảm thấy dễ dàng, nhanh chóng trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm.
- Đại lý bảo hiểm có thể đi đến từng nhà, từng doanh nghiệp để tư vấn bảo hiểm, thu phí bảo hiểm hoặc đàm phán những thay đổi về nhu cầu bảo hiểm của khách hàng.
- Giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian khi có quyết định tham gia bảo hiểm.
- Hỗ trợ, đồng hành cùng với người tham gia trong việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.
Đại lý bảo hiểm chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng
Vai trò của Đại lý bảo hiểm với xã hội
Đại lý là người cung cấp dịch vụ cho xã hội, mang đến sự đảm bảo cho mỗi cá nhân, tổ chức và gia đình và sự yên tâm cho những người có trách nhiệm trong gia đình. Do vậy, xét trên một khía cạnh nào đó, đại lý bảo hiểm còn góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.
2. Đại lý bảo hiểm có bao nhiêu loại?
Dựa theo những tiêu chí khác nhau, đại lý bảo hiểm sẽ được phân ra thành các loại khác nhau. Việc phân loại này giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm dễ dàng phát triển hệ thống đại lý, đồng thời dễ dàng quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Dựa theo tư cách pháp nhâ:
-
Đại lý cá nhân: Là một cá nhân đã được uỷ quyền kinh doanh từ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
-
Đại lý tổ chức: Là một nhóm người hoặc một công ty có đại diện pháp nhân được uỷ quyền kinh doanh từ doanh nghiệp bảo hiểm.
- Dựa theo loại hình bảo hiểm và tính rủi ro của nó
- Đại lý bảo hiểm nhân thọ: Là đại lý đã được uỷ quyền kinh doanh và thực hiện các hoạt động khác trong khuôn khổ về quyền và trách nhiệm dựa theo bản hợp đồng từ một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
- Đại lý bảo hiểm phi nhân thọ: Là đại lý đã được uỷ quyền kinh doanh và thực hiện các hoạt động khác trong khuôn khổ về quyền hạn và trách nhiệm dựa theo bản hợp đồng từ một doanh nghiệp phi nhân thọ.
- Các cách phân loại khá:
-
Theo thư bổ nhiệm: Đại lý giới thiệu dịch vụ và đại lý thu phí bảo hiểm
-
Theo trình độ chuyên môn: Đại lý học việc và đại lý chính thức.
-
Theo phạm vi hoạt động: đại lý phụ thuộc hoặc đại lý độc lập…
Lưu ý, trong bảo hiểm nhân thọ, đại lý bảo hiểm nhân thọ còn được chia thành các loại
- Phân loại theo phạm vi quyền hạn: Đại lý toàn quyền, tổng đại lý và đại lý uỷ quyền.
- Phân loại theo thời gian hoạt động: Đại lý chuyên nghiệp và đại lý bán chuyên nghiệp.
- Phân loại theo nhiệm vụ chủ yếu: Đại lý chuyên khai thác và đại lý chuyên thu…
Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ vào phân loại đại lý bảo hiểm
3. Nhiệm vụ của Đại lý bảo hiểm
Theo điều 85 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, nhiệm vụ - nội dung hoạt động của đại lý bảo hiểm bao gồm những công việc sau:
- Giới thiệu, chào bán bảo hiểm: Đại lý có nhiệm vụ giới thiệu, tư vấn những gói sản phẩm bảo hiểm phù hợp với điều kiện về rủi ro và tài chính của khách hàng. Cũng như giới thiệu về độ uy tín, vị thế, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm đã uỷ quyền.
- Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm: Bắt đầu từ việc giúp khách hàng hoàn thiện những thủ tục cần thiết, kê khai trung thực các yếu tố như thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe, công việc,... từ đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đồng ý phê duyệt gói bảo hiểm mà khách hàng đã đăng ký.
- Thu phí bảo hiểm: Theo hợp đồng bảo hiểm, đến kỳ hạn khách hàng cần hoàn thành nộp phí bảo hiểm. Thay vì khách hàng phải đến trực tiếp công ty, đại lý bảo hiểm được uỷ quyền đến thu phí tại nhà khách hàng giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm: Mỗi khi khách hàng phát sinh rủi ro và yêu cầu hỗ trợ từ bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có nghĩa vụ hỗ trợ khách hàng hoàn thành thủ tục để đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ công ty bảo hiểm dựa theo hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời đại lý còn có nhiệm vụ xác minh thông tin của khách hàng và chuyển đến công ty bảo hiểm. Giúp công ty bảo hiểm giải quyết việc bồi thường, trả tiền bảo hiểm một cách nhanh chóng, chính xác, công khai và minh bạch.
- Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm: Ngoài những nhiệm vụ được nêu trên, đại lý còn thực hiện một số hoạt động khác theo quy định trong hợp đồng uỷ quyền, đại diện kinh doanh giữa công ty và Đại lý bảo hiểm.
Quyền hạn và trách nhiệm của một Đại lý bảo hiểm
4. Trách nhiệm của Đại lý bảo hiểm
Tại Điều 88, trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã nêu rõ trách nhiệm của một đại lý bảo hiểm:
"Trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm."
Đại lý bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện theo đúng luật nhà nước, đúng điều khoản hợp đồng đã ký kết với công ty bảo hiểm. Nếu đại lý kinh doanh vi phạm pháp luật, có hành vi gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của khách hàng thì công ty bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.
Do vậy, bạn có thể yên tâm ký hợp đồng với đại lý bảo hiểm. Bởi họ đã được bảo lãnh từ chính công ty bảo hiểm đã uỷ quyền khi có bất cứ điều gì phát sinh dựa theo quy định của pháp luật.
Bạn có thể yên tâm ký hợp đồng với đại lý bảo hiểm do họ đã được ủy quyền đúng theo pháp luật
5. Quy định về điều kiện hoạt động của đại lý bảo hiểm là gì?
Dựa theo điều 86, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Một tổ chức hoặc cá nhân muốn trở thành đại lý bảo hiểm cần thoả mãn những điều kiện sau:
Đối với cá nhân:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cấp.
Đối với tổ chức:
- Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp;
- Nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện quy định như một đại lý cá nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Toà án tước quyền hành nghề vì phạm các tội theo quy định của pháp luật không được ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Muốn trở thành đại lý bảo hiểm thì cần phải thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật
6. Nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm?
Theo Điều 28 theo Nghị định 45/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ điều kiện hoạt động đại lý theo quy định tại Điều 86 của Luật Kinh doanh bảo hiểm và phải ký hợp đồng đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 87 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm không được làm đại lý bảo hiểm cho chính doanh nghiệp bảo hiểm đó.
- Tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.
- Đại lý bảo hiểm không được xúi giục khách hàng huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.
Đại lý bảo hiểm cần thi hành theo đúng Luật Kinh doanh bảo hiểm
7. Hành vi bị nghiêm cấm đối với đại lý bảo hiểm
Theo Điểm 3, Mục V về Đại lý bảo hiểm trong Thông tư 98/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 19/10/2004 nghiêm cấm đại lý bảo hiểm có các hành vi sau:
- Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.
- Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
- Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác.
- Khuyến mại khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp như hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác mà doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp cho khách hàng.
- Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới.
Quy định của nhà nước về Đào tạo Đại lý bảo hiểm
8. Các quy định quản lý đào tạo đại lý bảo hiểm
Việc đào tạo Đại lý bảo hiểm đã được quy định tại Điểm V Thông tư 98/2004/TT-BTC được nêu rõ như sau:
- Cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm muốn đào tạo đại lý bảo hiểm phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
- Chỉ những cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm được Bộ Tài chính chấp thuận hoạt động mới có quyền cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm. Người được cấp chứng chỉ phải hoàn thành chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm và thi đỗ trong kỳ thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm.
- Chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.
- Hàng năm, chậm nhất vào ngày 30/01 của năm sau, cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính về số lượng khóa đào tạo đã tổ chức, số lượng đại lý bảo hiểm đã đào tạo, số lượng chứng chỉ đã cấp trong năm theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này. Hàng quý, chậm nhất trước ngày 15 tháng đầu của quý sau, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính về danh sách đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này.
Như vậy, qua bài viết này bạn đã hiểu rõ về đại lý bảo hiểm, những quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của đại lý đối với khách hàng và công ty bảo hiểm. Hy vọng bạn sẽ không còn phải băn khoăn lo lắng khi tham gia bảo hiểm nào đó thông qua đại lý. Bởi chính đơn vị đại lý này đã được bảo lãnh từ công ty bảo hiểm và buộc phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.