Trong thời đại số hóa hiện nay, các công cụ tài chính ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng hơn bao giờ hết. Trong đó, "thẻ tín dụng" là một thuật ngữ thường xuyên được nghe đến và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về thẻ tín dụng là gì và tầm quan trọng của chúng trong tài chính cá nhân?
Hãy cùng Generali Việt Nam khám phá và tìm hiểu "thế giới của thẻ tín dụng" trong bài viết này, sẽ giúp bạn hiểu rõ vai trò của chúng đối với cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại công cụ thanh toán mà khách hàng có thể sử dụng để mua sắm và thực hiện các giao dịch tài chính khác mà không cần phải có số dư trong thẻ, với hạn mức chi trả đã thỏa thuận ban đầu.
Các giao dịch này được ghi lại dưới dạng một khoản nợ mà bạn phải trả lại cho ngân hàng phát hành thẻ sau một khoảng thời gian nhất định.
Dưới đây là những thông tin quan trọng mà bạn cần ghi nhớ khi sử dụng thẻ tín dụng:
- Hạn mức thẻ tín dụng: Là số tiền tối đa mà người sở hữu thẻ có thể sử dụng. Tùy vào điều kiện tài chính của bạn tại thời điểm mở thẻ mà hạn mức nhận được sẽ khác nhau.
- Bảng sao kê thẻ tín dụng: Là hóa đơn thanh toán mà ngân hàng sẽ gửi cho chủ thẻ vào cuối kỳ sao kê. Bảng sao kê thẻ tín dụng ghi rõ tất cả các khoản thanh toán giao dịch đã được thực hiện, số dư nợ thẻ tín dụng, số tiền tối thiểu cần thanh toán và ngày đến hạn thanh toán.
- Thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng: Là số tiền tối thiểu mà chủ thẻ cần chi trả để không chịu phí phạt hoặc ghi vào danh sách nợ xấu. Thông thường, số tiền tối tiểu là khoản 5% tổng số dư nợ hoặc số khác tùy theo quy định của từng ngân hàng.
- Lãi suất thẻ tín dụng: Là mức lãi suất được tính trên khoản dư nợ còn lại, sau khi hết thời gian miễn lãi. Đồng nghĩa, số lãi càng lớn nếu số tiền dư nợ càng nhiều. Do đó, bạn nên thanh toán tất cả khoản dư nợ đúng hẹn để tiết kiệm chi phí tiền lãi.
Các loại thẻ tín dụng trên thị trườn
Thẻ tín dụng được phân loại đa dạng, dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau để phù hợp với từng nhóm khách hàng, cụ thể:
- Phân loại theo hạng thẻ tín dụng, gồm: hạng bạch kim, hạng vàng, hạng chuẩn - mỗi hạng sẽ có điều kiện quy định và hạn mức khác nhau.
- Phân loại theo chủ thể sử dụng, gồm: thẻ tín dụng cá nhân và thẻ tín dụng doanh nghiệp.
- Phân loại theo phạm vi sử dụng, gồm: thẻ tín dụng nội địa (phạm vi áp dụng trong nước) và thẻ tín dụng quốc tế (có thể sử dụng tại nhiều quốc gia khác nhau).
- Phân loại theo mục đích sử dụng: Tùy theo mục đích sử dụng của bạn mà ngân hàng sẽ cung cấp loại thẻ tín dụng phù hợp nhất.
Chức năng của thẻ tín dụng là gì?
Nhìn chung, thẻ tín dụng cung cấp nhiều chức năng sử dụng linh hoạt cho khách hàng như sau:
1. Chức năng rút tiền mặt
Thẻ tín dụng cũng có chức năng rút tiền mặt như thẻ ghi nợ. Do đó, bạn có thể rút ra để chi trả các khoản phí sinh hoạt hàng ngày, nhưng hãy hạn chế nhé!
2. Chức năng thanh toán chậm
Bạn dễ dàng chi tiêu cho các khoản tiền như trả hóa đơn, mua sắm, đặt phòng, mua vé máy bay... mà cần phải có số dư trong thẻ tín dụng.
Thông thường, các ngân hàng sẽ quy định thời hạn hoàn trả tiền trong vòng 45 ngày (không áp dụng lãi suất). Sau thời hạn này, mức lãi suất trả chậm sẽ được tính bằng lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng.
3. Trả góp
Ngày nay, hầu hết các cửa hàng thương mại điện tử đã áp dụng hình thức thanh toán trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất cực kỳ hấp dẫn, thậm chí là 0%. Điều này giúp các chủ thẻ có thể nhanh chóng sở hữu các món đồ yêu thích mà không lo về tài chính.
Lợi ích khi mở thẻ tín dụng là gì?
Trong cuộc sống thời đại số hóa, việc sở hữu thẻ tín dụng sẽ mang lại nhiều ưu điểm nổi bật sau:
1. Dùng cho các trường hợp gấp
Trong các trường hợp khẩn cấp, với khoản tiền có sẵn trong thẻ tín dụng sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn tài chính và ổn định cuộc sống nhanh chóng.
2. Thanh toán nhanh chóng, tiện lợi
Chỉ với một chiếc thẻ tín dụng, bạn có thể thanh toán các khoản chi như hóa đơn, đóng tiền điện, trả khoản vay... bất kỳ lúc nào. Khi thanh toán online, bạn cần nhập đầy đủ thông tin in trên thẻ như: họ tên, số tài khoản, số CVV/CVC, ngày hết hạn.
Thêm vào đó, bạn có thể thanh toán trực tiếp khi mua sắm/ăn uống tại các trung tâm thương mại hay siêu thị qua máy POS. Lưu ý, bạn phải nhận lại hóa đơn và ký tên vào 2 hóa đơn mỗi giao dịch.
3. Nhiều ưu đãi
Khi sở hữu thẻ tín dụng, bạn sẽ nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn như tích điểm, hoàn tiền hay voucher giảm giá khi mua sắm online.
4. Tận hưởng chính sách trả góp linh hoạt
Bạn có thể phân bổ tài chính hiệu quả bằng cách sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm trả góp.
Ví dụ, bạn muốn mua tivi 24inch. Với tính năng trả góp 0% lãi suất qua thẻ tín dụng, bạn có thể trả dần 30 triệu trong vòng 12 tháng. Như vậy, mỗi tháng bạn chỉ cần thanh toán 2,5 triệu - khoản dư còn lại có thể gửi tiết kiệm hoặc đầu tư sinh lời.
5. Xây dựng điểm tín dụng cá nhân
Ngân hàng có thể đánh giá khả năng trả nợ của bạn thông qua lịch sử thanh toán các khoản dư nợ mỗi tháng. Nếu có lịch sử tín dụng tốt, ngân hàng sẽ nhanh chóng xét duyệt các khoản vay cho bạn trong các trường hợp cần vay mua nhà, mua xe.
Điều kiện đăng ký thẻ tín dụng là gì?
Dưới đây là quy định chung tại hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đối với cá nhân và doanh nghiệp khi đăng ký thẻ tín dụng:
1. Đối với khách hàng cá nhân
Để mở thẻ tín dụng cho cá nhân, bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài hiện đang sinh sống/làm việc tại Việt Nam từ 18 đến 60 tuổi.
- Có CCCD/CMND hoặc hộ chiếu (còn hạn) khi làm thẻ.
- Có mức thu nhập hàng tháng ổn định để đảm bảo khả năng thanh toán tối thiểu.
- Không có lịch sử nợ thẻ tín dụng, không thuộc 5 nhóm nợ xấu theo Khoản 8, Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
2. Đối với khách hàng doanh nghiệp
Đối với khách hàng là doanh nghiệp, mỗi ngân hàng sẽ quy định về điều kiện mở thẻ khác nhau. Thông thường, các ngân hàng không công khai các điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh.
Nhìn chung, điều kiện phát hành thẻ cho doanh nghiệp cơ bản như sau:
- Doanh nghiệp đã thành lập được một khoảng thời gian.
- Không có nợ xấu.
- Dòng tiền lưu động cao.
- Tình hình kinh doanh có lãi trong khoảng thời gian gần thời điểm phát hành thẻ tín dụng.
Đáp ứng tất cả điều kiện trên, đồng nghĩa doanh nghiệp bạn đã chứng minh cho ngân hàng về khả năng thanh toán tối thiểu trong suốt quá trình sử dụng.
Trường hợp nào không nên sử dụng thẻ tín dụng?
Sau khi nắm rõ bản chất về thẻ tín dụng là gì, để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng thẻ thì bạn nên ghi nhớ một số trường hợp dưới đây:
1. Không thể quản lý tài chính
Khi sở hữu thẻ tín dụng, một số người không thể vượt qua "cám dỗ" chi tiêu nhiều hơn cho những sở thích, nhu cầu của mình.
Bạn nên nhớ rằng, khoản tiền trong thẻ là của ngân hàng - không phải của bạn! Đồng nghĩa, nếu bạn đã sử dụng tiền trong thẻ thì phải trả lại.
Do đó, trước khi mở thẻ tín dụng thì bạn nên cân nhắc thật kỹ về khả năng quản lý tài chính cá nhân của mình, để tránh dẫn đến nợ thẻ.
2. Thanh toán cho các giao dịch lớn
Nếu bạn có nhu cầu giao dịch lớn như mở công ty, mua nhà, mua xe... hãy cân nhắc vay ngân hàng thay vì dùng thẻ tín dụng.
Vì đây là những khoản tiền lớn, nếu bạn không thanh toán dư nợ đúng hạn thì phải chịu thêm mức lãi suất thẻ tín dụng khá cao, cộng thêm với khoản phí thanh toán chậm. Suy ra, số tiền thực tế phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều, thậm chí gấp 2 - 3 lần khoản sử dụng ban đầu.
3. Rút tiền mặt
Mặc dù bạn có thể sử dụng chức năng rút tiền của thẻ tín dụng, nhưng hãy tránh làm điều này vì chi phí rút tiền và lãi suất áp dụng thường khá cao, từ 2 - 4% số tiền rút.
Một số lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn cần biết khi sử dụng thẻ tín dụng:
1. Các loại phí phải trả
Khi sử dụng thẻ tín dụng, có một số loại phí mà bạn phải chi trả gồm: Phí thường niên, Phí hủy thẻ, Phí phạt trả trễ, Phí in sao kê và Phí vượt hạn mức.
2. Bảo mật thẻ tín dụng
Một điều cần ghi nhớ: Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ tín dụng, vì nguy cơ bị đánh cắp thông tin hoặc dễ dàng thực hiện các giao dịch bất chính. Tất nhiên, người chịu thiệt sẽ chính là bạn!
Bạn nên ký chữ ký vào mặt sau của thẻ tín dụng để tránh trường hợp làm mất không mong muốn. Khi thanh toán, hầu hết các cửa hàng sẽ yêu cầu đối chiếu chữ ký phía sau mặt thẻ với chữ ký của người đang sử dụng nhằm xác minh đó có phải là chủ sở hữu thực sự.
3. Thanh toán thẻ đúng hạn
Bạn nên thanh toán khoản dư nợ thẻ tín dụng trước 45 ngày để không bị tính lãi suất và phí phạt. Một số hình thức thanh toán mà bạn có thể áp dụng:
- Ghi nợ tự động từ tài khoản thanh toán
- Nộp tiền trực tiếp tại các phòng giao dịch/chi nhánh của ngân hàng phát hành thẻ.
- Chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng bất kỳ sang tài khoản thẻ tín dụng của bạn.
4. Làm mất thẻ tín dụng, nên làm gì?
Trường hợp bạn làm mất thẻ tín dụng, điều đầu tiên là gọi điện/đến trực tiếp ngân hàng phát hành thẻ gần nhất để thông báo về việc mất thẻ. Ngân hàng sẽ cần bạn xác nhận một số thông tin của chủ thẻ gồm: họ tên, số tài khoản và thời điểm mất cắp để thực hiện khóa tài khoản khẩn cấp.
Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể truy cập vào App Mobile Banking để tiến hành khóa thẻ tín dụng. Điều này sẽ giúp bạn tránh những hành vi sử dụng thẻ bất hợp pháp và đánh cắp tiền trong tài khoản.
Bạn đã nắm rõ mọi thông tin về thẻ tín dụng là gì, nhìn chung đây là một công cụ tài chính mạnh mẽ mà bạn có thể tận dụng để thực hiện các giao dịch mua sắm và quản lý tài chính cá nhân một cách linh hoạt. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ cách hoạt động của thẻ và quản lý nó một cách thông minh để tránh rơi vào nợ nần.
Đừng quên theo dõi trang blog của Generali Việt Nam để cập nhật những kiến thức tài chính hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo
- https://www.hsbc.com.vn/credit-cards/how-do-credit-cards-work/
- https://timo.vn/blogs/timo-visa/the-tin-dung-la-gi/
- https://www.bidv.com.vn/bidv/bidv-blog/tin-dung/the-tin-dung-la-gi