Sự kỳ vọng: Tình yêu hay gánh nặng?
Hầu như cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có một nền tảng giáo dục tốt để tạo tiền đề cho con đường sự nghiệp sau này. Vì thế, việc cha mẹ kỳ vọng con cái phải chăm chỉ, học tốt, vào trường chuyên, lớp chọn là điều dễ hiểu.
Sự kỳ vọng của cha mẹ nếu ở mức vừa đủ và đúng với khả năng của con cái, sẽ là động lực thúc đẩy trẻ cố gắng để đạt được thành tích tốt hơn. Tuy nhiên, không ít cha mẹ lại đặt mức kỳ vọng quá cao, ngoài khả năng của con mình thì đó lại trở thành một gánh nặng, khiến trẻ bị áp lực.
Một khi cảm thấy áp lực quá lớn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng trong sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Nếu bị ức chế trong thời gian dài, trẻ sẽ có nguy cơ mắc một số vấn đề tâm lý như căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm. Trong một số trường hợp, trẻ sẽ sinh ra cảm giác chán nản và muốn đối đầu, phản kháng lại cha mẹ. Tệ nhất là trẻ chọn các giải thoát bản thân mình. Và tất cả những điều trên là thứ không ai mong muốn kể cả trẻ hay gia đình.
Vì sao cha mẹ kỳ vọng nhiều ở con mình?
Theo các chuyên gia tâm lý, kỳ vọng của cha mẹ thường do:
- Mong muốn con học giỏi để có một tương lai rộng mở với nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt.
- Không hài lòng với chất lượng cuộc sống của mình nên kỳ vọng con có thể đạt được nhiều thành tựu hơn và sống thoải mái hơn.
- Chưa thực hiện được ước mơ của mình và muốn con sẽ thay mình thực hiện ước mơ đó
- Định hướng cho con phải theo đuổi ngành nghề của gia đình để nối nghiệp.
- Cha mẹ, anh chị đạt được nhiều thành công trong cuộc sống nên những đứa con nhỏ hơn bắt buộc phải thành công tương tự hoặc hơn.
- Con cái học giỏi, đạt nhiều giải thưởng và thành công trong cuộc sống là một thành tựu của cha mẹ.