Áp lực đồng trang lứa là gì mà ai cũng sợ?
“Con nhà người ta” là một cụm từ quốc dân mà cha mẹ thường hay dùng để so sánh con mình với người khác. Cũng không ít trường hợp chính bản thân người trẻ tự so sánh bản thân với những bạn bè, hay người cùng lứa tuổi.
Nếu các nhà tâm lý gọi đây là áp lực đồng trang lứa hay peer pressure thì các bạn trẻ thường gọi đùa là áp lực con nhà người ta. Hiểu đơn giản thì đây là tình trạng tâm lý khi một người chịu những tác động từ sự thành công, hạnh phúc của các cá nhân hoặc nhóm người ở cùng độ tuổi. Ví dụ, người trẻ có thể sẽ cảm thấy bản thân kém cỏi khi thấy bạn học cũ trở nên thành đạt, có thu nhập khủng, mua nhà, mua xe trong khi mình vẫn chỉ là một nhân viên bình thường với mức thu nhập trung bình. Cũng có thể là khi các bạn trẻ bị cha mẹ so sánh với con nhà hàng xóm, con của bạn bè về sự nghiệp, gia đình…
Biểu hiện của áp lực con nhà người ta là gì?
Nhiều người nghĩ rằng áp lực đồng trang lứa chỉ có ở lứa tuổi học sinh, sinh viên hay người mới ra trường đi làm. Trên thực tế, tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào vì ai trong chúng ta cũng có sự so sánh nhất định giữa bản thân với người khác. Vì vậy, nhận ra biểu hiện của áp lực đồng trang lứa là một bước quan trọng trước khi chúng ta tìm cách hoá giải chúng!
- Cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi vì phải cố gắng quá nhiều.
- Thấy bản thân thua sút so với bạn bè, không thể đạt được chất lượng cuộc sống như bạn bè.
- Thường xuyên thấy bồn chồn, lo lắng, khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
- Thường cảm giác bị người khác đánh giá, coi thường, không tự tin vào khả năng của bản thân.
- Suy nghĩ tiêu cực; cảm xúc thay đổi thất thường, dễ nổi nóng.