Gia đình là tổ ấm nơi ta nương tựa, nhưng nhiều khi lại biến thành nguyên do gây áp lực làm cho cuộc sống mệt mỏi. Làm sao để xoa dịu áp lực này và bảo vệ hạnh phúc gia đình?
Vì sao cuộc sống gia đình khiến ta mệt mỏi?
Tình cảm gia đình không phải lúc nào cũng gắn bó, thuận hòa. Khi thiếu sự vun đắp, những lý do sau thường khiến ta mệt mỏi.
Thiếu sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia
Phần lớn mệt mỏi từ cuộc sống gia đình bắt đầu từ sự thiếu đồng cảm và thấu hiểu. Khi người trong gia đình không vun đắp tình cảm, thiếu gần gũi, tâm sự và chia sẻ nỗi niềm, mối quan hệ gia đình sẽ bắt đầu có những hiểu lầm và rạn nứt.
Rạn nứt có nhiều kiểu, nhưng phổ biến nhất là khi gia đình thiếu đi sự phân công trách nhiệm hợp lý. Một người phải gánh vác quá nhiều trọng trách, nhưng những thành viên còn lại không thấu hiểu hoặc không giúp đỡ.
Khi thiếu sự sẻ chia, sẽ có nhiều lúc một người phải nhường nhịn, thích nghi với thói quen của những người còn lại, hi sinh sở thích và niềm vui của mình.
Gánh nặng tài chính
Áp lực cơm áo gạo tiền khiến nhiều người chắt bóp, đau đầu tính toán thu chi. Một số nhu cầu cần thiết như thuốc men, học hành, giải trí có thể bị cho là xa xỉ, khiến cho cha mẹ hoặc anh chị phải chịu hi sinh để em nhỏ được có phần. Hơn nữa, người trong gia đình bươn chải nhiều nơi, xa nhà lâu ngày. Ngay cả gia đình khá giả cũng có lúc phải quay cuồng trong vòng xoay của đồng tiền. Khi chịu nhiều áp lực từ tài chính, người trong gia đình không còn thời gian hoặc sức lực để nghỉ ngơi, sum vầy.
Kỳ vọng quá lớn từ người thân
Một số cha mẹ, ông bà gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào con cháu, tuy nghĩ là sẽ tốt cho con cháu, nhưng kỳ vọng có khi lại vượt quá khả năng hoặc hiện thực cuộc sống. Để làm hài lòng người lớn, con cái chịu áp lực phải có thành tích tốt, sự nghiệp thành công, hoặc hôn nhân hạnh phúc.
Nhưng những thành quả này đâu phải nay mai là có được? Khi đối mặt với thất bại, con cháu sợ làm cha mẹ buồn sẽ giấu đi, không dám chia sẻ khó khăn, từ đó làm cho người trong nhà ngày càng xa cách.
Khó khăn trong nuôi dạy con cái
Nuôi dạy con cái là một trong những thử thách lớn nhất trong hôn nhân, vì vợ chồng có tuổi thơ khác nhau, hoàn cảnh gia đình, tính cách, và quan niệm sống khác nhau. Bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con là khó tránh khỏi. Những bất đồng này nếu không được dung hòa, sẽ gây ra nhiều xích mích, mâu thuẫn khiến cho con trẻ bối rối, mệt mỏi.
Bất đồng quan điểm giữa các thế hệ
Nước Việt Nam đã đi qua nhiều sự thay đổi chóng mặt, các thế hệ trong gia đình thường có trải nghiệm và giá trị sống hoàn toàn khác biệt. Khoảng cách thế hệ cũng vì thế mà dẫn tới bất đồng quan điểm. Từ sở thích, định hướng nghề nghiệp, tình yêu đôi lứa, đến cách quản lý tiền bạc, nuôi dạy con, v…v…, ông bà một ý, nhưng cha mẹ lại theo một đằng, khó có thể hòa hợp được.
Những cách giải tỏa mệt mỏi với cuộc sống gia đình
Học cách lắng nghe, chia sẻ
Rất nhiều xích mích gia đình đến từ việc thiếu thấu hiểu lẫn nhau. Để vun đắp sự thấu hiểu, cần làm hai việc song song: lắng nghe và chia sẻ. Một bên chịu lắng nghe, thì bên kia phải chịu chia sẻ. Một bên không chịu chia sẻ thì không nên kỳ vọng bên kia sẽ đoán được ý muốn của mình.
Đừng tưởng rằng vì là người trong một nhà nên sẽ tự hiểu ý nhau mà không cần phải nói. Không ai đọc được ý nghĩ của người khác – tuy người nhà có thể đoán ý, nhưng không phải lúc nào cũng đoán đúng. Nếu mà làm được thì trên đời này chả có chuyện hiểu lầm nhau bao giờ.
Vì thế, lắng nghe và chia sẻ giúp cho người trong nhà hiểu được nỗi niềm của nhau, lấp dần khoảng cách giữa thành viên trong gia đình.
Phân công trách nhiệm gia đình cho hợp lý
Công việc nhà dù không được trả lương nhưng vẫn có giá trị và tiêu hao công sức như đi làm lãnh lương. Cần phải phân công việc nhà cho hợp lý và cân bằng với trách nhiệm bên ngoài xã hội của từng thành viên trong gia đình. Đừng để một người cáng đáng quá nhiều trọng trách và những người còn lại thì không màng giúp đỡ.
Cha mẹ cần dạy con tự lập trong chăm sóc cá nhân và làm một số việc nhà đơn giản. Như thế, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, và con nhỏ dần hiểu được nỗi lo của cha mẹ.
Tiết chế sự kỳ vọng với con cái
Từ việc sẻ chia, thấu hiểu, người lớn sẽ dần thấy được những kỳ vọng nào của mình có thể là quá cao, cần tiết chế, để tránh tạo áp lực nặng nề cho con trong học hành, sự nghiệp.
Nhìn nhận sai lầm và chịu khó thích nghi
Câu xin lỗi chân thành rất khó thành lời, nhưng nói được thì mối quan hệ sẽ được cải thiện nhanh chóng. Lời xin lỗi cũng cần đi đôi với hành động.
Ví dụ, khi bạn đời có tật xấu gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, hai bên cần cùng nhau tìm cách dung hòa, thích nghi, để có thể hòa thuận mà không bắt một bên chịu thiệt quá nhiều.
Học cách kiềm chế cảm xúc
Cảm xúc nóng giận thường chỉ nhất thời, nhưng lời nói ra rồi không rút lại được. Những lúc tức giận, xích mích, bạn cần cố gắng làm chủ cảm xúc để tránh nói ra những lời có thể làm cho người nghe đau lòng. Nếu có thể, trước khi mất kiểm soát, bạn nên rời khỏi phòng, đợi cho đầu óc bình tĩnh lại rồi mới quay lại vấn đề nhé.
Chăm sóc tốt bản thân
Không ai có thể cho đi cái mình không có – nếu bản thân không khỏe thì làm sao có thể chăm sóc cho người khác? Đảm bảo cho mình một chế độ ăn uống và rèn luyện sức khỏe lành mạnh, theo đuổi sở thích, niềm vui nhỏ, hoặc đi du lịch, là những cách giúp lòng được thư thái, buông xuôi được những thất vọng, chuyện buồn. Tự chăm sóc tốt bản thân để không trở thành gánh nặng cho gia đình, cũng là một cách xây dựng hạnh phúc. Lo cho gia đình không có nghĩa là quên đi bản thân mình, bạn nhé.
Vượt qua mệt mỏi trong cuộc sống gia đình là một quá trình trưởng thành về cảm xúc
Nguyên do khiến ta mệt mỏi với cuộc sống gia đình có thể rất nhiều, nhưng cũng có bấy nhiêu cách xử lý và giữ lửa yêu thương. Học cách dung hòa giữa áp lực của gia đình và nhu cầu của bản thân là một quá trình trưởng thành về mặt cảm xúc mà ai cũng cần trải qua. Mong rằng bài viết này đã cho bạn một vài ý tưởng và động lực để hòa giải, sẻ chia với người thân của mình.