Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân hay ông Táo được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Và vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt, chưa tốt xảy ra trong gia đình. Mặc dù năm nào cũng đón Tết Táo Quân nhưng không phải ai cũng biết được hết truyền thuyết, ý nghĩa hay những tập tục trong ngày này.
Tích truyện về phong tục đưa ông Táo về trời
Tuy có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Trung Quốc nhưng Táo Quân đã được Việt hóa trong sự tích "2 ông, 1 bà" quen thuộc trong văn học dân gian Việt Nam:
Ở làng nọ có Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà không có con nên thường cãi nhau. Một hôm Trọng Cao quá tức giận đánh vợ, tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi. Thị Nhi gặp một chàng trai là Phạm Lang rồi ăn ở với nhau thành vợ chồng.
Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ. Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang.
Bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà để lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm nên bị chết cháy, người vợ cũ là Thị Nhi thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.
Thượng Đế thấy ba người có tình nghĩa, phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà, Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa. Ba người tượng trưng là ba cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp.”
Theo tích truyện này, ngày 23 tháng Chạp hàng năm được chọn là ngày bộ ba thổ Công, thổ Địa, thổ Kỳ vắng mặt ở trần gian lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế những việc thiện ác, hay dở, tốt xấu trong năm qua của gia chủ một cách khách quan, trung thực.